Chấn thương cột sống là loại chấn thương thường xảy ra trong tai nạn giao thông, tai nạn thể thao và cả trong tai nạn lao động. Những trường hợp này người bệnh cần được cấp cứu khẩn thương, nếu không sẽ xảy ra những biến chứng nghiêm trọng ở cột sống. Hãy cùng Dầu Ngải Diệp Dược Nam Hà tìm hiểu rõ hơn tình trạng này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Nguyên nhân gây chấn thương cột sống
Dưới đây là các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chấn thương cột sống:
- Chấn thương do tai nạn giao thông.
- Gặp chấn thương do tai nạn lao động như ngã từ trên cao xuống gây lún, xẹp hoặc vỡ đốt sống.
- Chấn thương thể thao khi chơi các môn thể thao như đua xe đạp, đua ngựa, xiếc, võ thuật, bóng đá…
- Chấn thương do hỏa khí như đạn bắn…
- Chấn thương do nạn nhân tự tử bằng cách thắt cổ có thể gây gãy cột sống cổ.
Các nguyên nhân kể trên có thể gây ra các tổn thương cột sống với nhiều mức độ khác nhau, cụ thể là di lệch, vỡ, lún cột sống, phù nề, chảy máu, chèn ép, thậm chí có thể làm đứt ngang tủy sống.

2. Các biến chứng khó lường của chấn thương cột sống
Sau khi bị chấn thương cột sống, người bệnh có thể gặp các biến chứng đó là:
- Rối loạn hay mất vận động: Bệnh nhân bị chấn thương nặng có thể bị giảm hoặc mất vận động chủ động ở hai chân (khi bị tổn thương đoạn ngực, thắt lưng) hoặc mất vận động cả hai tay và hai chân (khi bị tổn thương đoạn cổ). Bệnh nhân gặp rối loạn trương lực cơ gây co rút, cốt hóa lạc chỗ, loãng xương, co cứng, teo cơ hay cứng khớp, rỗng tủy sau chấn thương.
- Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân sẽ bị giảm hoặc mất cảm giác phía dưới vùng tủy sống bị tổn thương. Biến chứng rối loạn cảm giác có thể gây các triệu chứng tê, đau, thậm chí còn dẫn đến các biến chứng và thương tật thứ phát như bị loét do tỳ đè…
- Các rối loạn thần kinh thực vật: Đây là loại rối loạn phản xạ tự động, rối loạn đại tiểu tiện, các biến chứng về hô hấp, biến chứng về tiết niệu, tăng tiết mồ hôi, hạ huyết áp tư thế, rối loạn điều nhiệt, viêm tắc tĩnh mạch do huyết khối…
3. Cách điều trị chấn thương cột sống
Việc lựa chọn phương pháp điều trị chấn thương cột sống tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương. Bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị kịp thời ở những trường hợp sau:
- Với những trường hợp chấn thương nhẹ, bác sĩ có thể sẽ điều trị bằng phương pháp bảo tồn, điều trị thuốc, và vật lý trị liệu kết hợp với trị liệu thần kinh cột sống.
- Với những trường hợp tổn thương nặng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn thì cần phải tiến hành phẫu thuật.
- Thuốc giảm đau sẽ giúp giảm các cơn đau nhanh chóng, tức thời, nhưng cần phải cân nhắc khi sử dụng trong một thời gian dài. Vì khi dùng kéo dài thuốc giảm đau sẽ gây ra những tác dụng phụ không tốt cho gan, thận.
Phương pháp phẫu thuật là phương pháp điều trị sau cùng khi các tổn thương cột sống nghiêm trọng. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải thận trọng khi dùng phương pháp này, bởi:
- Phẫu thuật có thể làm cho tình trạng bệnh xấu hơn nếu như cơ thể bệnh nhân không thích ứng với các dị vật lắp ghép thay thế vào trong cơ thể.
- Thời gian phục hồi sức khoẻ lâu hơn.
- Gặp phải nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng cao.
- Đối với các vận động viên sau khi phẫu thuật có thể phải từ bỏ con đường thể thao chuyên nghiệp, do cơ thể rất khó có thể phục hồi lại được khả năng vận động và chức năng như ban đầu.

4. Các di chứng của chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống khi được phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm giảm nguy cơ để lại di chứng cho bệnh nhân. Tuy nhiên với những trường hợp tổn thương ở mức độ nặng thì nguy cơ để lại di chứng là rất cao. Các di chứng khi bị chấn thương cột sống đó là:
- Di chứng liệt tứ chi.
- Di chứng liệt hai chi dưới.
5. Điều trị đau sau phẫu thuật chấn thương cột sống
Quá trình bệnh nhân tiến hành phục hồi chức năng, mục đích chính là giúp bệnh nhân có thể phục hồi lại được chức năng vận động đã bị mất. Hoặc trường hợp nếu cơ hội phục hồi khả năng vận động không còn thì phục hồi chức năng sẽ giúp hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các dụng cụ hỗ trợ di chuyển như xe lăn, nạng, nẹp… để có thể thực hiện được các hoạt động sống hàng ngày một cách độc lập. Qua đó cũng giúp bệnh nhân hòa nhập với gia đình và cộng đồng nhanh hơn.
Về tình trạng cơ thể của bệnh nhân
Phòng chống loét da do bị đè ép là một việc rất quan trọng khi chăm sóc cơ thể bệnh nhân sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần được sử dụng đệm chống loét (đệm hơi hoặc đệm nước), và thay đổi tư thế bệnh nhân 2 giờ một lần để loại bỏ đè ép, giữ cho da vùng dễ bị loét luôn khô ráo và sạch sẽ, đồng thời phát hiện sớm các vùng da có nguy cơ loét để kịp thời xử lý.
Chăm sóc chức năng tiết niệu
Bệnh nhân cần được uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày kể cả ăn), đặt thông tiểu lưu trong giai đoạn choáng tủy, sau đó là thông tiểu ngắt quãng 4 giờ một lần. Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh tự thông tiểu sau khi ra viện, tập phục hồi chức năng bàng quang, phát hiện và điều trị sớm nếu gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu.
Phục hồi chức năng tiêu hoá
Bệnh nhân ăn uống đủ chất dinh dưỡng với lượng chất xơ phù hợp, tập đại tiện theo giờ cố định trong ngày, đồng thời tập thể dục thường xuyên và hướng dẫn bệnh nhân tự kiểm soát khi đại tiện.
Kiên trì vận động sau khi điều trị chấn thương cột sống
Vận động sẽ giúp ngăn ngừa được nhiều biến chứng và thương tật thứ cấp đối với người bị tổn thương tủy sống như loét da do đè ép, nhiễm trùng tiết niệu, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhiễm khuẩn hô hấp, teo cơ, cứng khớp, co rút biến dạng… Chương trình tập vận động bao gồm cả tập thở, tập ho, tập vận động đúng tư thế, tập di chuyển tại giường, tập di chuyển từ giường ra xe lăn và ngược lại, tập theo tầm vận động…
Có thể nói, chấn thương cột sống là một tình trạng bệnh lý phức tạp, có nhiều mức độ khác nhau. Do đó, khi có nghi ngờ gặp phải chấn thương ở cột sống, bạn nên thăm khám, kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương để các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.