Chấn thương đầu gối là một trong những chấn thương thường gặp nhất trong thể thao, lao động và sinh hoạt. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, chấn thương đầu gối dễ để lại những hệ quả phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp gối. Qua bài viết này Dầu Ngải Diệp Dược Nam Hà sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dạng tổn thương đầu gối và cách điều trị hiệu quả nhất.
1. Các dạng chấn thương đầu gối thường gặp
1.1. Chấn thương đầu gối do gãy xương
Xương bánh chè có vị trí nằm trước khớp gối, đóng vai trò như một lá chắn bảo vệ khớp gối khỏi bị thương hoặc bị tổn hại khi ngã. Do vậy, xương bánh chè có thể bị gãy khi bị ngã do va chạm mạnh hoặc chấn thương khi chơi thể thao. Theo đó, gãy xương bánh chè là một trong những chấn thương ở đầu gối phổ biến nhưng có mức độ nghiêm trọng, khiến người bệnh phải bất động trong thời gian dài, thậm chí phải phẫu thuật để điều chỉnh.
1.2. Chấn thương đầu gối do trật khớp
Trật khớp gối xảy ra khi xương đầu gối bị lệch đi sau tai nạn chấn thương đầu gối. Đôi khi xương bánh chè bị trật khớp chúng sẽ tự điều chỉnh một cách tự nhiên và trở về vị trí thích hợp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sẽ cần đến thuốc an thần nhẹ để bác sĩ có thể di chuyển khớp gối về vị trí thích hợp mà không gây đau đớn quá nhiều cho bệnh nhân. Người bệnh thường phải mất khoảng sáu tuần để hồi phục hoàn toàn từ khớp gối bị trật khớp.

1.3. Chấn thương dây chằng chéo trước
Dây chằng chéo trước đầu gối là đoạn mô đầu gối kết nối xương trên và xương chân dưới với nhau, có tác dụng giúp giữ cho đầu gối ổn định. Trong các chấn thương đầu gối thường gặp, tổn thương dây chằng chéo trước là một trong những loại chấn thương đầu gối phổ biến nhất và chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng số các ca chấn thương liên quan đến thể thao.
Lựa chọn hình thức điều trị cho chấn thương dây chằng chéo trước còn tùy thuộc vào mức độ của chấn thương. Không phải tất cả các vết thương trên dây chằng này đều đòi hỏi cần được phẫu thuật. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau thì việc tham gia các khóa phục hồi thể chất thường cũng được khuyến khích nhằm nhanh chóng hồi phục chức năng sau các chấn thương.
1.4. Tổn thương dây chằng chéo sau
Dây chằng chéo sau là phần kết nối xương đùi với xương cẳng chân, có vai trò giữ cho xương cẳng chân không di chuyển quá xa về phía sau. Chấn thương dây chằng chéo sau xảy ra đơn độc hoặc có thể kết hợp với những chấn thương ở đầu gối khác. Nếu tổn thương chỉ ở dây chằng chéo sau – thường điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên, khi có sự kết hợp của chấn thương như trật khớp gối và rách nhiều dây chằng thì có thể cần phải sử dụng phương pháp phẫu thuật.
1.5. Rách sụn chêm
Sụn chêm là phần sụn nằm giữa khớp gối, các miếng sụn này giúp tạo lớp đệm khớp và giữ cho khớp ổn định. Tuy nhiên, tổn thương sụn chêm thường xuất hiện trong chấn thương ở đầu gối, nhất là trong các môn thể thao đòi hỏi phải nhảy nhiều như bóng chuyền và đối kháng như bóng đá. Khi thay đổi hướng đột ngột trong khi chạy, chấn thương sụn chêm có thể xảy ra do bị rách áp lực. Người bệnh có thể phải phẫu thuật khâu rách sụn chêm khớp gối, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của vết rách.
1.6. Rách gân gối
Các gân gối hoạt động cùng với cơ đầu gối ở phía trước đùi để giúp duỗi thẳng chân. Vết rách gân gối đơn giản hoàn toàn có thể trở thành chấn thương ở đầu gối phức tạp, thậm chí gây tàn phế và cần phải phẫu thuật để lấy lại chức năng hoàn toàn. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp rách gân gối người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối, kết hợp vật lý trị liệu sẽ giúp vết thương mau lành.
2. Hướng dẫn điều trị các chấn thương đầu gối
2.1. Xử lý ban đầu
Ngay sau khi gặp chấn thương, đầu gối đang đau và sưng nề, việc cần làm là bất động đầu gối bằng bột hoặc nẹp. Đồng thời, chườm đá lên vùng trước gối trong 2 – 3 ngày đầu và uống thuốc giảm đau, giảm phù nề. Nên bất động trong 2 – 3 tuần. Khi có tràn máu khớp gối, thường máu sẽ tự tiêu nên không cần thiết chọc hút máu khớp gối sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.

2.2. Điều trị bảo tồn
Đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, rách sụn chêm đều không có khả năng tự liền. Do vậy, phần lớn các tổn thương đều phải phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với người có tuổi, người ít hoạt động có thể điều trị bảo tồn. Điều cần làm là bất động nẹp hoặc bột trong vòng 3 tuần, sau đó tập phục hồi chức năng lấy lại biên độ khớp và tăng cường sức mạnh cho cơ.
2.3. Phẫu thuật
Phương pháp điều trị phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng đầu gối đã hết sưng, biên độ khớp gối đã khả quan hơn. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc về y học, các tổn thương từ dây chằng chéo đến sụn chêm đều được tiến hành bằng nội soi, mang lại kết quả điều trị rất tốt.
2.4. Tập luyện
Điều trị các tổn thương dây chằng chéo khớp gối dù có phẫu thuật hay không phẫu thuật thi tập luyện đều đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp bệnh nhân sớm trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường. Các bài tập phục hồi chức năng nhằm mục đích tăng sức mạnh cho cơ đùi và duy trì biên độ khớp gối.
Có thể nói, khớp gối đóng vai trò rất quan trọng nâng đỡ cơ thể. Khi gặp chấn thương đầu gối sẽ khiến chúng ta mất chức năng vận động nghiêm trọng. Chính vì vậy, điều quan trọng là tìm phương pháp xử lý kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng.